SIẾT NỢ VÀ TRÁCH NHIỆM ĐI KÈM
SIẾT NỢ VÀ TRÁCH NHIỆM ĐI KÈM
Tình trạng siết nợ diễn ra khá phổ biến hiện nay. Rất nhiều chủ nợ (bên cho vay) lao đao khi rơi vào tình thế không biết giải quyết sao khi đến hẹn con nợ (bên vay) có đủ điều kiện trả nợ nhưng trốn tránh không trả. Vì nóng lòng muốn lấy lại tài sản của mình, nhất là dịp gần Tết, lại thiếu hiểu biết về pháp luật nên nhiều chủ nợ rơi vào cảnh dở khóc dở cười, lấy lại tài sản của mình mà phải đi tù.
Vậy siết nợ phải đối diện trách nhiệm pháp lý như thế nào?
Theo quy định hiện nay, siết nợ chủ nợ có thể phải đối diện với một trong các tội danh sau:
Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm con nợ lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm lấy tài sản để cấn nợ có thể bị truy cứu tội cướp tài sản với mức phạt tù từ 03 năm tù – tù chung thân
Bắt cóc người khác làm con tin nhằm lấy lại tài sản cấn trừ nợ có thể bị truy cứu tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản với mức phạt tù từ 02 năm tù – tù chung thân
Đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần con nợ nhằm lấy lại tài sản cấn trừ nợ có thể bị truy cứu tội cưỡng đoạt tài sản với mức phạt tù từ 01 năm tù – 20 năm
Cướp giật tài sản của con nợ nhằm cấn trừ nợ nợ có thể bị truy cứu tội cướp giật tài sản với mức phạt tù từ 01 năm tù – tù chung thân
Ngang nhiên lấy tài sản của con nợ nhằm cấn trừ nợ có thể bị truy cứu tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với mức phạt tù từ 06 tháng – 20 năm
Lén lút lấy tài sản của con nợ nhằm cấn trừ nợ có thể bị truy cứu tội trộm cắp tài sản với mức phạt tù từ 06 tháng – 20 năm.
Như vậy, để lấy lại khoản vay hợp pháp, chủ nợ phải tiến hành khởi kiện dân sự ra Tòa án, tránh nóng vội xử lý theo cách “siết nợ” như trên, để rồi tự đưa mình vào vòng lao lý.