XÁC NHẬN MỐI QUAN HỆ CHA CON. TÒA ÁN HAY TƯ PHÁP GIẢI QUYẾT?
Quy định pháp luật hiện nay về thẩm quyền xác nhận cha, mẹ, con:
Khoản 4 Điều 28 BLTTDS 2015 quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết “Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.”
Khoản 10 Điều 29 BLTTDS 2015 quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết “Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
Theo quy định tại Điều 101 Luật hôn nhân gia đình về Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con thì Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp; Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp người có yêu cầu chết.
Điều 3 Luật hộ tịch quy định cơ quan hộ tịch xác nhận vào sổ hộ tịch sự kiện nhận cha, mẹ, con và ghi vào sổ hộ tịch việc xác định cha, mẹ, con của cá nhân theo bản án, quyết định của tòa án.
Khoản 4 Điều 16 Thông tư 04/2020 hướng dẫn luật hộ tịch quy định
“Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật.
Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Thông tư này”
Nhận xét: Theo đó nếu chỉ nhìn vào quy định tại Điều 101 Luật hôn nhân gia đình cơ quan hộ tịch có thẩm quyền xác nhận cha, mẹ, con theo pháp luật hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp sẽ dễ dẫn đến sự nhầm lẫn khi xác định thẩm quyền, mặc định tất cả các vụ việc xác định cha, mẹ, con mà không có tranh chấp thì Tòa án không có thẩm quyền giải quyết, mà thẩm quyền chỉ thuộc về cơ quan hộ tịch (tư pháp cấp xã, tư pháp cấp huyện). Điều này tưởng chừng quy định giữa Bộ luật tố tụng dân sự, Luật hôn nhân gia đình và Luật hộ tịch quy định chồng chéo, mâu thuẫn nhau.
Tuy nhiên đi từ gốc rễ các quy định, dẫn từ BLTTDS đến luật chuyên ngành hôn nhân gia đình và từ luật hôn nhân gia đình dẫn chiếu qua luật hộ tịch, sau cùng là Thông tư 04/2020 thì các quy định trên hoàn toàn không mâu thuẫn nhau, BLTTS quy định việc xác định cha, mẹ, con thuộc thẩm quyền tòa án theo quy định của Luật HNGĐ và Luật HNGĐ dẫn chiếu việc xác định cha, mẹ, con thực hiện theo luật hộ tịch, theo đó luật hộ tịch và thông tư 04/2020 quy định cụ thể việc xác định cha, mẹ, con thuộc thẩm quyền của cơ quan hộ tịch trừ trường hợp đặc biệt là con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân thì thẩm quyền thuộc về tòa án.
Như vậy, khi thực hiện xác định cha, mẹ, con cần chú ý các vấn đề sau:
Thứ nhất, về thẩm quyền xác định cha, mẹ, con hiện nay thuộc về 2 cơ quan là Tòa án hoặc cơ quan đăng ký hộ tịch, tùy từng trường hợp, cụ thể:
**Thẩm quyền Tòa án:
Đối với vụ án xác định cha, mẹ, con (tức có tranh chấp) theo khoản 4 Điều 28 BLTTDS;
Đối với vụ việc xác định cha, mẹ, con mà bên yêu cầu hoặc bên được yêu cầu chết theo khoản 2 Điều 101 Luật hôn nhân gia đình;
Đối với trường hợp con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân có cha pháp lý và cha ruột, các bên không có tranh chấp về con, đã có kết quả ADN xác nhận đúng nội dung các bên thống nhất thì Tòa án thụ lý giải quyết theo việc dân sự theo Khoản 4 Điều 16 Thông tư 04/2020 ;
**Thẩm quyền của cơ quan hộ tịch (Tư pháp trực thuộc ủy ban):
Giải quyết thủ tục xác nhận cha, mẹ, con trong trường hợp không có tranh chấp và không thuộc trường hợp con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân theo khoản 1 Điều 101 Luật hôn nhân gia đình.
Thứ hai, về thủ tục giải quyết:
Đối với vụ việc thuộc thẩm quyền Tòa án, tùy trường hợp thụ lý giải quyết theo vụ án hoặc việc dân sự; cần chuẩn bị giấy tờ liên quan như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, kết quả ADN, chứng minh, hộ chiếu....
Đối với việc thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký hộ tịch, người yêu cầu nộp hồ sơ đến tư pháp xã hoặc tư pháp huyện (trong trường hợp có yếu tố nước ngoài) và kèm theo các tài liệu chứng minh mối quan hệ cần xác định, thời hạn giải quyết từ 3-5 ngày ở cấp xã và cấp huyện khoảng 22 ngày.
Liên hệ ICLAW GROUP để được tư vấn chi tiết từng trường hợp.