Đó là câu chuyện tưởng chừng không thể xảy ra, bởi đã là kẻ đi trộm cắp tài sản của người khác, là hành vi đáng lên án trong xã hội… Vậy tại sao trộm lại được bồi thường? Và được bồi thường khi nào? Ai là người bồi thường. Bạn đọc có thể tham khảo tình huống thực tiễn sau đây:
A lẻn vào nhà B để trộm cắp tài sản, nhà B có để biển cảnh báo “NHÀ CÓ CHÓ DỮ”, A chưa lấy được tài sản của B thì đã bị chó của B cắn gây thương tích, phải nằm viện điều trị tổng chi phí điều trị 50 triệu. A kiện đòi B bồi thường 50 triệu cho A.
Chúng ta cùng xem xét dưới 2 góc nhìn khác nhau như sau:
Góc nhìn thứ nhất, xét theo cách hiểu thông thường của người dân, A rõ ràng đã sai khi lẻn vào nhà B để ăn trộm, theo đó A phải tự chịu trách nhiệm khi bị chó nhà B cắn, bởi nếu không cố ý lẻn vào ăn trộm thì A đã không bị chó cắn, việc bắt chủ nhà là B phải bồi thường cho A là bảo vệ cho kẻ xấu.
Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý, việc chủ nhà B phải bồi thường cho A là hoàn toàn có căn cứ, cụ thể chia 2 trường hợp như sau:
Thứ nhất, chó nhà B là chó cảnh, thuần phục, theo quy định tại Khoản 2 Điều 584 BLDS 2015 thì “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh…..hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Khoản 1 Điều 603 BLDS 2015 quy định “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác”.
Như vậy, A cố ý lẻn vào nhà B ăn trộm, dù B đã để sẵn biển cảnh báo nhà có nuôi chó, A mặc dù có thể lường trước nhưng tự tin rằng mình sẽ không bị chó cắn, A có lỗi cố ý đối với hành vi trộm cắp và lỗi vô ý vì quá tự tin đối với việc bị chó cắn. Vì vậy, thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của A, B không có trách nhiệm phải bồi thường cho A.
Mở rộng ra từ tình huống trên, cũng là chó cảnh, thuần phục nhưng nếu A chỉ là khách thông thường ghé vào nhà B chơi và bị chó nhà B cắn, A không có lỗi gì thì chủ nhà B lại phải bồi thường cho A là hoàn toàn có căn cứ.
Thứ hai, chó nhà B là chó Becgie. Đối với chó Becgie là thú dữ, được xem là nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại Khoản 1 Điều 601 BLDS 2015, và B là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, B phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi B không có lỗi (theo quy định tại Khoản 2 Điều 601 BLDS 2015), trừ 2 trường hợp sau:
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết,
Như vậy mặc dù về mặt nguyên tắc chung loại trừ trách nhiệm bồi thường nếu lỗi hoàn toàn từ bên bị thiệt hại (gồm lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý), nhưng theo Khoản 2 Điều 584 BLDS 2015 còn ghi nhận thêm cụm từ “trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Theo đó quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi không có lỗi là quy định khác mà Điều 584 nhắc đến. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường cho bên bị thiệt hại ngay cả trong trường hợp lỗi hoàn toàn do bên bị thiệt hại gây ra (chỉ áp dụng đối với lỗi vô ý). Ở tình huống trên, A có lỗi vô ý vì quá tự tin vào việc mình không bị chó cắn, vì vậy, chủ nhà là B vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho A theo quy định.
Qua tình huống trên cần rút ra bài học cho các gia đình có nuôi chó dữ, đặc biệt đang là xu hướng của giới trẻ yêu chuộng động vật hiện nay, cần phải nắm bắt quy định pháp luật, vừa nuôi được thú cưng theo sở thích của mình, vừa đảm bảo an toàn cho người khác, tránh trường hợp dở khóc dở cười, vừa bị trộm mất tài sản lại vừa phải bồi thường cho kẻ trộm.
Liên hệ: 0788686653