Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của TANDTC
12. Đề nghị hướng dẫn đối với các trường hợp sử dụng điện trái phép làm chết người thì xét xử về tội gì?
Để xét xử đúng tội cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Về nguyên tắc chung, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:
a. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người.- cố ý trực tiếp
b. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:
+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xẩy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người. – cố ý gián tiếp
+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người. – vô ý vì quá tự tin
Về trách nhiệm dân sự: Chủ thể tiến hành giăng bẫy điện mà làm chết người thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra quy định của pháp luật dân sự tại Điều 601 BLDS năm 2015.
GIĂNG BẪY ĐIỆN LÀM CHẾT NGƯỜI CÓ PHẢI ĐI TÙ?
Tình trạng giăng bẫy điện chống trộm, diệt chuột...diễn ra khá phổ biến ở nước ta, nhất là vùng nông thôn, các vùng trồng lúa, cây ăn quả. Vậy, giăng bẫy điện làm chết người phải chịu trách nhiệm gì?
1. TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ (TÙ): Theo hướng dẫn của Tòa án tối cao chia làm 03 trường hợp:
Trường hợp 1: giăng bẫy điện để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về TỘI GIẾT NGƯỜI.
Theo đó mức án tù có thể phải đối diện lên đến 20 năm tù, tù chung thân, tử hình.
Trường hợp 2: giăng bẫy điện để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xẩy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về TỘI GIẾT NGƯỜI.
Theo đó mức án tù có thể phải đối diện lên đến 20 năm tù, tù chung thân, tử hình.
Trường hợp 3: giăng bẫy điện để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI.
Theo đó mức án tù có thể phải đối diện lên đến 10 năm tù.
2. TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ: Bên cạnh phải ở tù vì hành vi của mình, người giăng điện còn phải bồi thường dân sự cho gia đình nạn nhân, cụ thể:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa khi nạn nhân nhập viện cấp cứu trước khi chết; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của nạn nhân và người chăm sóc nạn nhân (qua các biên lai, chứng từ, hợp đồng); và mức bù đắp tổn thất về tinh thần lên đến trên 70 triệu.
- Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: Chi phí mai tang; Tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng (thể hiện qua hóa đơn, biên lai..); Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần lên đến 149 triệu.
Như vậy, giăng bẫy điện chống trộm, diệt chuột... dẫn đến chết người có thể phải đối diện án tử hình; đồng thời phải bồi thường tiền cho gia đình nạn nhân theo quy định.